Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

Nên mời chuyên gia Nhật Bản đến thuỷ điện Sông Tranh 2


Đó là ý kiến của ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị TP Đà Nẵng tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 25/9.
Ngày 25/9, hàng trăm người dân quận Hải Châu đã đến tham dự buổi tiếp xúc cử tri của Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh và đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thuý nhằm chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIII.
Kém cỏi thì đừng cố sĩ diện!
Cùng với nhiều vấn đề liên quan đến tình hình chung của đất nước và TP Đà Nẵng, cử tri quận Hải Châu còn tỏ ra rất quan tâm đến thuỷ điện Sông Tranh 2 ở tỉnh Quảng Nam lân cận. Cử tri Phạm Sĩ Toàn (phường Thanh Bình) kiến nghị Quốc hội không cho thuỷ điện Sông Tranh 2 tích nước vì nếu vỡ đập sẽ chết dân hàng loạt. Đây cũng là ý kiến chung của nhiều cử tri khác tại buổi tiếp xúc.
Ông Nguyễn Bá Thanh tiếp xúc cử tri quận Hải Châu (Đà Nẵng) ngày 25/9 - Ảnh: HC
Ông Nguyễn Bá Thanh tiếp xúc cử tri quận Hải Châu (Đà Nẵng) ngày 25/9 - Ảnh: HC
Ông Nguyễn Bá Thanh không giấu nổi thất vọng khi đặt câu hỏi: “Các nhà khoa học Việt Nam ở đâu mà thuỷ điện Sông Tranh 2 nói hoài không ra? Động đất liên tù tì trong mấy ngày như thế mà không biết giải thích nguyên nhân tại sao? Bây chừ ra lệnh không tích nước nữa nhưng nó cũng cứ nổ lộp bộp, nứt nhà dân lung tung. Thuỷ điện 180MW chứ có phải nhỏ đâu, một lượng điện cũng khá lớn nhưng chừ anh nào cũng sợ nên không cho tích nước là an toàn nhất”.
Đồng thời ông cho biết thêm, ngày hôm qua, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam Nguyễn Đức Hải có tham vấn ý kiến của ông về cách xử lý đối với thuỷ điện Sông Tranh 2. Và ông đã tư vấn cho lãnh đạo tỉnh Quảng Nam nên đề nghị Chính phủ mời chuyên gia nước ngoài vào, đem theo thiết bị, máy móc đầy đủ để khảo sát mới có thể biết chính xác được.
“Mình thì kém, trình độ, phương tiện, máy móc chưa đủ mà cứ sĩ diện, cố chứng tỏ ta đây nghiên cứu khoa học tốt cho nên cứ lần quần trong khi dân thì hoang mang. Không cần tìm đâu cho xa, mời các chuyên gia Nhật Bản là có kinh nghiệm về động đất nhất, có đầy đủ máy móc, thiết bị đo địa chấn… Chứ cứ để tình hình thế này là ăn không ngon, ngủ không yên, suốt ngày lo động đất, lo thuỷ điện Sông Tranh” – ông Nguyễn Bá Thanh nói.
“Bật mí” chuyện phát hiện giả chữ ký ông Nguyễn Bá Thanh
Ông trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị TP Đà Nẵng cũng “bật mí” về việc phát hiện ra tình trạng mà ông gọi là “làm liều đến cái mức giả chữ ký Nguyễn Bá Thanh” và cho biết: “Công an điều tra gần ra rồi”. Theo đánh giá các đối tượng giả chữ viết, chữ ký của ông đạt tới mức gần giống chứ không hề là chuyện đùa. “Nhưng tôi cũng đã có cách đề phòng trước mấy ổng rồi” – ông Nguyễn Bá Thanh nói.
Theo đó, từ cách đây 3 – 4 năm, ông đã cho thành lập ở Văn phòng UBND TP Đà Nẵng một phòng chuyên lo về giải toả đền bù. Có đơn thư nào mang bút phê, chữ ký của ông Nguyễn Bá Thanh thì đều phải chuyển hết lên phòng này để xác minh có đúng hay không rồi mới làm văn bản cho giải quyết. Nhờ lường trước như vậy nên các đối tượng cố tình mạo danh ông Nguyễn Bá Thanh để trục lợi chuyện đất đai đã không “qua” nổi.
Cử tri quận Hải Châu (Đà Nẵng) bày tỏ sự bức xúc về tình hình thuỷ điện Sông Tranh 2 ở tỉnh Quảng Nam lân cận - Ảnh: HC
Cử tri quận Hải Châu (Đà Nẵng) bày tỏ sự bức xúc về tình hình thuỷ điện Sông Tranh 2 ở tỉnh Quảng Nam lân cận - Ảnh: HC
Ông Nguyễn Bá Thanh cũng cho biết thêm, mới đây UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản quy định các Ban, các công ty làm nhiệm vụ có liên quan đến công tác đền bù giải toả nếu chỉ căn cứ vào bút phê của lãnh đạo TP rồi tự ý giải quyết mà không xin ý kiến và được UBND TP ra văn bản rồi mới tiến hành giải quyết thì sẽ bị quy vào diện đồng loã và bị khởi tố liền.
“Cho nên các ông Trưởng Ban đền bù giải toả, giám đốc các công ty ngồi đây phải hết sức chú ý. Đừng để các đối tượng giả chữ ký đưa cho mình, giúi thêm cái phong bì rồi mình tự ý giải quyết thì sẽ bị công an bắt chứ không còn chuyện xử lý hành chính gì nữa!” – ông Nguyễn Bá Thanh nói.
HẢI CHÂU(Ifnonet)

Thứ Năm, 20 tháng 9, 2012

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh: “Không nên mở thêm hệ tại chức”


Tôi cũng từng hỏi Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận là tại sao các cơ quan nhà nước không nhận hệ tại chức? Ngành giáo dục sản xuất ra một sản phẩm kém mà lại bắt người khác phải sử dụng?”, Bí thư Nguyễn Bá Thanh nói.
Ngày 19/9, đối thoại với sinh viên, giảng viên ĐH Duy Tân, Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh trăn trở: “Khó khăn của thành phố là làm sao có được một ban lãnh đạo đủ tầm, có tâm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm nhưng quan trọng là phải biết cách làm. Singapore không có tài nguyên, chỉ có con người nhưng lại bắt đầu bằng giáo dục. Việt Nam nếu không lo cho giáo dục thì không thể thực hiện được mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh
Khi biết ĐH Duy Tân chưa đào tạo hệ tại chức, ông Thanh thẳng thắn: “Nếu chưa có hệ tại chức thì đừng tính đến”. Và ông phân tích, trước đây Đà Nẵng vừa đưa ra chủ trương không nhận hệ tại chức đã bị phản ứng, nhưng mới đây Hà Nội và một số tỉnh thành khác cũng ủng hộ bằng cách không tuyển công chức học hệ này.
“Tôi cũng từng hỏi Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận tại hành lang Quốc hội là tại sao các cơ quan nhà nước không nhận hệ tại chức? Ngành giáo dục sản xuất ra một sản phẩm kém mà lại bắt người khác phải sử dụng?”, ông Thanh nói.
Lãnh đạo thành phố đưa ra ví dụ, nhiều trường lấy đầu vào đại học khoảng 20 điểm, những thí sinh được 17 – 19 điểm đều trượt, nhưng tại sao trường đó không lấy những học sinh này vào trường mà lại tổ chức một cuộc thi tuyển khác, vừa tốn kém, vừa lấy đầu vào hệ tại chức quá thấp dẫn đến năng lực kém.
Bí thư Thanh cũng gợi ý trường đại học Duy Tân đi thẳng vào thế mạnh của mình là đào tạo công nghệ thông tin, du lịch, ít mà chất lượng.”Quy tắc bất di bất dịch là có thầy giỏi sẽ có trò giỏi. Do đó, điều đầu tiên là phải săn tìm thầy giỏi, tìm được những thầy giáo giỏi về chuyên môn, có phương pháp sư phạm tốt để truyền đạt cho sinh viên, bỏ qua điệp khúc thầy đọc, trò chép”.
Một giảng viên mong muốn Bí thư Thành ủy góp tiếng nói đến các doanh nghiệp để khi sinh viên ra trường không bị phân biệt về bằng cấp giữa trường tư thục với trường công lập. Ông Thanh thẳng thắn: “Việc phân biệt còn kéo dài. Không phải có sự can thiệt của tôi, mà bản thân ĐH Duy Tân muốn đầu ra tốt thì phải chú ý đến chất lượng, phụ thuộc vào chính những người đào tạo, đổi mới tư duy để có những sinh viên giỏi phục vụ cho đất nước”.
Theo (VNE)

Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012

Có năng lực thì đưa lên, không có chuyện chung chi


Đó là khẳng định của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh tại buổi gặp gỡ, nói chuyện với hơn 500 cán bộ, giảng viên của ĐH Duy Tân sáng nay 19.9.
Ông Thanh khẳng định: “Những người được đào tạo ra có năng lực thực sự sẽ rất dễ dàng tìm việc làm ở Đà Nẵng. Đà Nẵng tuyển người dựa hoàn toàn vào năng lực. Ở Đà Nẵng anh nào làm tốt, có năng lực thì đưa lên, không có chuyện chung chi. Tôi cũng mạnh dạn nói không với tình trạng mua quan, bán chức ở Đà Nẵng…”.
Cũng tại buổi nói chuyện với cán bộ, giảng viên của ĐH Duy Tân, ông Thanh cho biết, trong tương lai, Đà Nẵng định hướng phát triển lấy du lịch làm mũi nhọn đột phá. Mỗi năm TP sẽ đón 5 – 7 triệu lượt khách du lịch vì vậy nguồn nhân lực cho du lịch là rất cần, từ việc đào tạo những hướng dẫn viên chuyên nghiệp, nhân viên phục vụ, đến đầu bếp cho những khách sạn lớn.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh khẳng định "có năng lực thì đưa lên, không có chuyện chung chi" ở Đà Nẵng - Ảnh: Diệu Hiền
Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh khẳng định "có năng lực thì đưa lên, không có chuyện chung chi" ở Đà Nẵng - Ảnh: Diệu Hiền
Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng phát triển xây dựng một thành phố điện tử, phát triển mạnh về công nghệ thông tin, nên cần một lực lượng lớn về lĩnh vực này.
Ông Thanh nói Đà Nẵng rất cần những nơi đào tạo như ĐH Duy Tân để đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai.
“Trường phải có hướng đi rõ ràng trong đào tạo, biết nhắm đến những nhu cầu mà TP đang cần, để phục vụ cái cần đó; đừng đào tạo tràn lan, mở tùm lum ngành rồi sinh viên ra trường không có việc làm, rất phí”, ông Thanh nhấn mạnh.
Ông Thanh “hiến kế” cho ĐH Duy Tân về việc “chiêu hiền đãi sĩ”. Theo đó, ông Thanh cho rằng, phải mời cho bằng được những người thầy giỏi, có phương pháp giảng dạy tốt thì mới mong có được chất lượng đào tạo tốt; sinh viên ra trường có năng lực, kiến thức giỏi.
Về phía chính quyền, ông Thanh cũng hứa với ĐH Duy Tân, TP.Đà Nẵng sẽ giúp trường trong vấn đề bố trí nhà ở, chính sách đãi ngộ để trường có thể thu hút giảng viên giỏi ở các nơi.
Trả lời câu hỏi của giảng viên ĐH Duy Tân về việc trường này có nên mở ngành đào tạo y dược, ông Nguyễn Bá Thanh cho rằng, trên địa bàn Đà Nẵng hiện có ĐH Đà Nẵng đang đào tạo y dược, nhưng ngành này cũng đang sắp “chết yểu”, chỉ còn Trường CĐ Y tế là có triển vọng. ĐH Duy Tân chưa nên mở ngành này, bởi chưa có thế mạnh, chưa có cơ sở vật chất.
Một giảng viên khác hỏi: “Các doanh nghiệp còn chê sinh viên ngoài công lập, theo ông bí thư có thể làm thế nào để thay đổi thực trạng này?”. Ông Thanh trả lời: “Bí thư không thể nói mà thay đổi được tình hình. Quan trọng là chính trường phải tự tìm cách thay đổi mình, nâng cao chất lượng đào tạo; đào tạo được người giỏi thì sẽ không bị doanh nghiệp phân biệt đối xử…”.
Diệu Hiền(TNO)

Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

Điều chỉnh quy hoạch Đà Nẵng đến 2030, tầm nhìn 2050


Đà Nẵng xác định việc điều chỉnh quy hoạch thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2050 phải học tập hình mẫu phát triển đô thị từ Singapore.
Ngày 14-9, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tổ chức cuộc họp để nghe và cho ý kiến về điều chỉnh quy hoạch tổng thể thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch đô thị hướng biển, đa trung tâm
Theo báo cáo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn về các nội dung được điều chỉnh quy hoạch, trên cơ sở xác định tính chất đô thị, việc điều chỉnh quy hoạch đến năm 2030 về dân số, dự báo thành phố có 2 triệu người, tiêu chuẩn đất xây dựng đô thị bình quân từ 145-160m2/người. Định hướng phát triển đô thị theo hướng đa trung tâm như các trung tâm đô thị tây bắc, tây nam, đông nam. Không gian xanh trong đô thị mở để hình thành thành phố thân thiện với môi trường, phát triển bền vững và đáng sống.
Về hạ tầng giao thông, kết nối giao thông nội thị và liên tỉnh, phát triển đa dạng các loại hình giao thông với đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy và chú trọng phát triển tàu điện.
Cuộc họp lấy ý kiến góp ý điều chỉnh quy hoạch tổng thể đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Ảnh: T.Tùng
Cuộc họp lấy ý kiến góp ý điều chỉnh quy hoạch tổng thể đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Ảnh: T.Tùng
Trong quá trình tổ chức và kiểm soát phát triển cấu trúc không gian kiến trúc cảnh quan tập trung xây dựng 16 điểm nhấn kiến trúc đặc sắc, xây dựng nền tảng kiến trúc theo xu thế đơn giản, hiện đại, thích dụng, không nhại cổ, lai căng.
Định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật về nền xây dựng 1% có khả năng chống ngập với tần suất từ 20 -100 năm ngập một lần. Quy hoạch lại hạ tầng thoát nước mưa, ứng phó biến đổi khí hậu. Hạ tầng giao thông đảm bảo không để xảy ra tình trạng kẹt xe. Đầu tư xây dựng mới nhà máy cấp nước trên sông Cu Đê để đảm bảo cung cấp nguồn nước. Nâng cao chất lượng xử lý nước thải, xử lý vệ sinh môi trường. Đảm bảo cung cấp nguồn điện an toàn…
Quy hoạch theo hai giai đoạn
UBND thành phố cho biết, quy hoạch xây dựng thành phố triển khai theo hai giai đoạn, giai đoạn đầu thực hiện đến năm 2020, giai đoạn 2 thực hiện đến năm 2030.
Theo đó, các chương trình và dự án ưu tiên trong giai đoạn đầu, về hạ tầng xã hội có nhà hát, thư viện; các khu du lịch tại Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Bà Nà, nam Hải Vân; các làng đại học tại Hòa Quý, Hòa Liên, Hòa Phong, Hòa Tiến, khu liên hợp thể thao Hòa Xuân; công viên biển Sơn Trà; sân golf Hòa Phong – Hòa Phú.
Một góc đô thị Đà Nẵng nhìn từ bờ tây Sông Hàn. Ảnh: T.Tùng
Một góc đô thị Đà Nẵng nhìn từ bờ tây Sông Hàn. Ảnh: T.Tùng
Hạ tầng kỹ thuật có mở rộng cảng Tiên Sa, cảng du lịch Sông Hàn, khơi thông sông Cổ Cò, mở rộng nhà ga hàng không, di dời nhà ga đường sắt, đường cao tốc Đà Nẵng – Dung Quốc…, xây dựng khu công nghiệp Hòa Khương.
Theo đánh giá của UBND thành phố, đồ án điều chỉnh quy hoạch thành phố đến năm 2030 là phát triển cơ sở vật chất hiện đại, tạo dựng môi trường sống về giao thông, nhà ở, việc làm, vui chơi giải trí, đảm bảo an ninh quốc phòng. Đà Nẵng trong 30 năm sau sẽ là thành phố “Đáng sống, đa dạng, hấp dẫn, thân thiện và phát triển bền vững”.
Chọn Singapore làm hình mẫu phát triển đô thị
Sau khi nghe các ý kiến đóng góp từ các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo các sở, ngành, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh kết luận, việc điều chỉnh quy hoạch thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2050 phải học tập hình mẫu phát triển đô thị từ Singapore. Do đó, quy hoạch sử dụng đất là nội dung quan trọng để có tầm nhìn xác định mục đích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.
Mục tiêu trước mắt, đến cuối năm 2014 không thực hiện việc quy hoạch chia lô đất ở mà quy hoạch phát triển loại hình đất ở biệt thự, chung cư cao tầng. Quy hoạch phải chỉ rõ vùng và phân khu chức năng đảm bảo cho được diện tích đất dành cho các ngành giáo dục, y tế…  Khu vực nào chưa có điều kiện triển khai thì khoanh lại để triển khai thực hiện sau.
Đến năm 2030, Đà Nẵng xác định quy mô dân số khoảng 2,5 triệu người nên hạ tầng kỹ thuật đô thị phải đảm bảo. Về giao thông, không để xảy ra kẹt xe, trong đó ngay từ năm 2013 triển khai tuyến giao thông vành đai từ Hòa Quý – Hòa Châu – Hòa Tiến – Hòa Phong – giáp đường Nguyễn Tất Thành. Tuyến đường bộ 14B vươn dài qua Lào, Thái Lan.
Về đường thủy, tập trung tuyến Cổ Cò – Hội An, Cu Đê – Hòa Bắc. Đầu tư xây dựng các tuyến xe buýt, xe điện ngầm. Đối với sân bay Nước Mặn, không quy hoạch làm khu dân cư mà làm sân bay taxi với các dịch vụ bay mặt đất, máy bay thủy phi cơ cho dịch vụ bay biển.
Hệ thống cầu cần bổ sung quy hoạch các cây cầu mới đoạn Cầu Đỏ – Túy Loan. Khu vực nội thị làm rõ các quy hoạch về hệ thống cầu vượt, bãi đỗ xe ngầm, đỗ xe trên cao… Đến năm 2018 phải thực hiện 100% nước thải thu gom đều được xử lý.
Hạ tầng kỹ thuật đô thị lưu ý việc quy hoạch đối với các ngành và lĩnh vực như hạ tầng thương mại, tài chính- ngân hàng; dịch vụ, kho tàng, bến bãi, đất ở cho các đối tượng sỹ quan lực lượng vũ trang…Về quy hoạch đô thị, sau năm 2020 tập trung đầu tư chuỗi đô thị ven sông Cu Đê.
TRIỆU TÙNG(DNO)

Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

Từ 2013, pháo hoa quốc tế Đà Nẵng sẽ tổ chức 2 năm một lần


Kể từ năm 2013, cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFC) sẽ tổ chức 2 năm một lần thay vì liên tục từng năm một như từ trước đến nay. Đó là khẳng định của Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh ngày 12/9 tại hội nghị tổng kết 5 năm tổ chức DIFC.
Tổ chức cách năm cho khách… thòm thèm!
Theo đó, từ năm 2013 trở đi, Đà Nẵng sẽ chỉ tổ chức DIFC vào các năm lẻ (2013, 2015…) vì “cái gì ít, hiếm mới hấp dẫn, khách mời thòm thèm chứ nhiều quá sẽ dẫn tới nhàm chán”. Hơn nữa việc tổ chức cách năm cũng để công tác tổ chức, việc vận động tài trợ đỡ vất vả, khó khăn.
Ông Nguyễn Bá Thanh nêu rõ, 5 năm qua DIFC được tổ chức hoàn toàn bằng nguồn kinh phí xã hội hoá, không sử dụng ngân sách nhà nước theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Công tác tổ chức ngày càng tốt hơn, chuyên nghiệp hơn. Trong đó, thành công lớn nhất là không để xảy ra bất cứ một trường hợp cháy nổ hoặc mất an toàn nào gây ảnh hưởng đến một lễ hội đặc sắc, riêng có làm nên thương hiệu cho du lịch Đà Nẵng nói riêng và cả TP bên sông Hàn nói chung.
Cuộc họp tổng kết 5 năm tổ chức DIFC diễn ra ngày 12/9 - Ảnh: HC
Cuộc họp tổng kết 5 năm tổ chức DIFC diễn ra ngày 12/9 - Ảnh: HC
“Đây là kết quả từ nỗ lực chung của nhiều sở, ban, ngành, nhiều đơn vị tham gia. Từ chỗ chưa có kinh nghiệm, chúng ta đã đúc tỉa để làm và càng ngày càng được đánh giá cao hơn. Tuy nhiên, nếu nói đã hài lòng chưa thì rõ ràng ở đây đó vẫn còn những điều mà chúng ta thấy có thể làm tốt hơn nếu cố gắng, chịu khó thêm chút nữa!” – ông Nguyễn Bá Thanh nói.
Về chủ đề của DIFC, có ý kiến cho rằng phải lấy “cái gì đó” giống như các nước, chẳng hạn “Lễ hội Ánh sáng Vancouver” của Canada, nhưng ông Nguyễn Bá Thanh cho rằng sự “bắt chước” như vậy là không giống ai. Theo ông, ở Việt Nam chỉ có một DIFC nên bản thân tên gọi của nó đã nói lên chủ đề chính của sự kiện này và chỉ cần thêm chủ đề riêng cho từng năm. Đồng thời ông đề nghị không mời công ty chuyên nghiệp tổ chức DIFC mà UBND TP Đà Nẵng lập Ban chỉ đạo do Chủ tịch UBND TP làm trưởng ban, bên dưới gồm các tiểu ban phân công chịu trách nhiệm cá nhân từng phần việc một hết sức rõ ràng.
Về việc chọn đội dự thi DIFC 2013, Sở VH-TT-DL Đà Nẵng đề xuất mời 4 trong số 8 đội đến từ các nước Nam Phi, New Zealand, Áo, Nga, Malaysia, Mỹ, Ba Lan và Nhật Bản. Ông Nguyễn Bá Thanh yêu cầu phải mời cho được các đội “hàng hiệu bán trong các siêu thị cao cấp” chứ không phải là các đội “phọt phẹt” như hàng bán trong… chợ Cồn.
Do vậy, ông đề nghị mời lại đội Parente Fireworks (Ý) từng vô địch DIFC 2011, 2012 tiếp tục tham dự DIFC 2013 cùng các đội Khan (Nga), Marutamaya (Nhật) và Melrose Pyrotechnics (Mỹ). “Đừng sợ trùng lắp vì đội Ý ở đẳng cấp khác, mỗi lần họ tham gia thì khí thế hoành tráng lên liền. Họ thuộc loại “hàng hiệu”, mỗi năm trình diễn một kiểu, có họ dự thi thì đội Mỹ mới “tức” để liệu chừng mà tính!” – ông Nguyễn Bá Thanh nói.
Không đem vé pháo hoa đi “bán dạo”!
Ông cũng chỉ đạo không bán vé nhiều như vừa rồi để giảm bớt số khán đài. Đồng thời, không tiếp tục đem vé “bán dạo” ở Hà Nội, TP.HCM và cũng không bán “lung tung” ở Đà Nẵng. Vé sẽ bán trực tiếp cho các khách sạn (KS) 4 sao ở Đà Nẵng để bán lại cho khách ở KS của mình. Vé được phân bổ đủ cho nhu cầu của lượng khách ở từng KS. Nếu KS nào để khách thắc mắc không mua được vé xem pháo hoa thì sẽ bị phạt nặng ngay lập tức. Cách làm này, theo ông Nguyễn Bá Thanh: “Sẽ khiến một số anh “hơi buồn” vì không được hưởng hoa hồng, cũng không có vé tuồn ra ngoài bán chợ đen như mọi năm”.
Đối với lượng khách còn lại sẽ tự do tìm chỗ bên ngoài để xem vì BTC không thể đủ sức phục vụ vé cho lượng khách càng ngày càng đông. Điều quan trọng, ông Nguyễn Bá Thanh cho rằng, BTC phải tạo ra được nhiều không gian cho khách xem pháo hoa tự do mà vẫn cảm thấy hết sức thoải mái, thích thú. Ngay cả nhiều khách VIP sau khi xem đêm đầu, qua đêm thứ hai thì “chuồn” mất. Hoá ra họ lang thang trên thuyền, hay lên các nhà cao tầng để xem vì như thế họ lại thấy thích hơn!
Bên cạnh đó, ông thống nhất cho các KS được tăng giá không quá 50% trong dịp diễn ra DIFC và chỉ đạo Sở VH-TT-DL tổ chức một “siêu thị” công khai, minh bạch trên mạng để khách ở các nơi chỉ cần vào đó là biết KS còn phòng hay không, giá bao nhiêu để đặt phòng, đăng ký vé máy bay… Nếu KS nào vi phạm mức giá đã công bố trên mạng sẽ bị xử lý. Nhưng không phạt hành chính vì mức phạt rất thấp mà yêu cầu các KS ký cam kết nếu vi phạm phải đóng góp 300 – 500 triệu đồng vào Quỹ pháo hoa của TP. Riêng với hàng ăn uống, giữ xe… thì ông Nguyễn Bá Thanh yêu cầu không được tăng giá.
HẢI CHÂU(Infonet)

Bí thư Đà Nẵng dọa ngân hàng o ép doanh nghiệp


Buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố, Ngân hàng Nhà nước với 150 doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng diễn ra ngày 7/9 khi gần kết thúc đã nổi lên tiếng cười xen lẫn tiếng vỗ tay rôm rả.
Đó là khi Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh nói rằng, nếu ngân hàng nào cố tình o ép doanh nghiệp, cho vay với lãi suất cao thì tại cuộc họp hội đồng nhân dân thành phố ông sẽ nêu tên, và khi đó người dân không gửi tiền nữa thì “ráng mà chịu”.
Trước khi ông Thanh phát biểu kết thúc, đại diện một số doanh nghiệp trên địa bàn cũng đã phản ánh không ít khó khăn khi tiếp cận vốn ngân hàng.
Yêu cầu của ông Nguyễn Bá Thanh là các ngân hàng cần mạnh tay cho vay với các dự án có khả năng thu hồi vốn và công khai minh bạch về lãi suất cũng như tăng cường thẩm định để các doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh hơn.
Yêu cầu của ông Nguyễn Bá Thanh là các ngân hàng cần mạnh tay cho vay với các dự án có khả năng thu hồi vốn và công khai minh bạch về lãi suất cũng như tăng cường thẩm định để các doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh hơn.
Giám đốc Công ty giày B.Q, ông Phan Hải phàn nàn, với dự án trung và dài hạn thì sau vài năm mới có lãi, song hợp đồng vay vốn thường có điều khoản ba tháng một lần rà soát điều chỉnh lãi suất. “Cứ ba tháng lại một lần nơm nớp lo lãi suất tăng hay giảm, liệu doanh nghiệp có thực sự an tâm để làm ăn? Ngân hàng nhà nước dự báo 6 tháng tới lãi suất giảm nhưng giảm được bao nhiêu?”, ông Hải đặt câu hỏi.
Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng thì hầu hết các doanh nghiệp ở địa bàn đều phản ánh là khó tiếp cận nguồn vốn vay, và việc giảm lãi suất cho vay cũng chưa có nhiều kết quả. Đến cuối tháng 7/2012, chỉ có 430 khách hàng được giảm lãi suất vốn vay, tương đương số tiền hơn 6 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Bá Thanh cũng nói là ông “chả hiểu nổi” khi ngay cả những dự án liên quan đến vốn ngân sách, gần như không có rủi ro mà cũng không vay được vốn ngân hàng. Doanh nghiệp và ngân hàng nói nghe có vẻ hiểu nhau cặn kẽ mà nghe chừng chưa hiểu nhau lắm, ông Thanh đánh giá.
Rất thông cảm là ngân hàng cũng đi vay rồi cho vay lại, song theo ông vẫn “phải nói thật”  là ngân hàng vẫn thuận lợi hơn doanh nghiệp, doanh nghiệp vất vả hơn. Vì doanh nghiệp chết là doanh nghiệp chịu, còn ngân hàng hoạt động khó khăn còn có ngân hàng nhà nước cứu nguy cho, “có ngân hàng cũng lôi thôi lếch thếch lắm”, ông nói.
Lưu ý các doanh nghiệp là ngân sách của thành phố không mạnh nên chủ yếu gặp gỡ để lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp xem có gì về cơ chế cần tháo gỡ và giúp doanh nghiệp trong khả năng mà thành phố có thể làm được, tuy nhiên, ông Thanh cũng nhấn mạnh rằng, trước khó khăn thì mỗi doanh nghiệp cần hết sức bình tĩnh tìm cách đối phó vươn lên, kêu than cũng không giải quyết gì, buông tay chèo thì thuyền càng chìm nhanh.
Đề nghị các ngân hàng trên địa bàn giảm lãi vay với nợ cũ, ông Thanh nói, với tư cách Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố, đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho xin báo cáo hàng tháng để ông nắm được rõ hoạt động của các ngân hàng.
Cũng cho biết là sẽ chẳng đao to búa lớn gì, mà chỉ nêu tên các ngân hàng không chịu hạ lãi suất và o ép doanh nghiệp cho dân biết thôi, ông Thanh nhấn mạnh, “doanh nghiệp sống thì mình mới sống”. Yêu cầu của ông là các ngân hàng cần mạnh tay cho vay với các dự án có khả năng thu hồi vốn và công khai minh bạch về lãi suất cũng như tăng cường thẩm định để các doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh hơn.
Vị Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng cũng yêu cầu các cơ quan tham mưu tập hợp danh sách các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn và có khả năng trả nợ để thành phố bão lãnh vay vốn nếu ngân hàng có khó khăn. Số tiền có thể bảo lãnh bằng ngân sách của thành phố cũng được ông Thanh công bố là từ 3000 -5000 tỷ đồng.
“Các doanh nghiệp khi có khó khăn đề nghị phản ánh bằng văn bản đến cơ quan chức năng, có bức xúc thì có thể gửi thẳng cho Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố là tôi đây để hỗ trợ kịp thời”, ông Thanh nhắn nhủ các doanh nhân Đà Nẵng.
NGUYÊN VŨ(VNEconomy)

Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh gặp các hộ dân Hòa Vân


Sáng 5-9, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đến thăm nơi ở mới của 64 gia đình thôn Hòa Vân tại khu nhà liền kề thuộc tổ 14 (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu). Tất cả các hộ dân đều bày tỏ lòng cảm ơn chân thành đến lãnh đạo các cấp của thành phố và mong muốn được sống tại nơi ở mới ổn định và lâu dài.
Được tiếp đón  Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh khi ông đến tận nhà thăm, bà Trần Thị Nhiều, vợ ông Nguyễn Văn Xứng, thương binh 4/4 xúc động nói: “Từ khi chuyển về đây, đời sống hai vợ chồng tôi chuyển sang một bước ngoặt mới, bởi 64 hộ dân ở đây luôn nhận được sự đùm bọc, chở che và thương yêu của chính quyền địa phương. Nếu có đau ốm gì thì cán bộ y tế trực tiếp đến từng nhà để khám bệnh và cho thuốc. Một sự quan tâm đặc biệt so với trước đây”.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh tặng quà cho gia đình thương binh Nguyễn Văn Xứng tại khu nhà liền kề. Ảnh: Lê Dũng
Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh tặng quà cho gia đình thương binh Nguyễn Văn Xứng tại khu nhà liền kề. Ảnh: Lê Dũng
Trong cuộc gặp gỡ với Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh tại nhà sinh hoạt cộng đồng, người dân thôn Hòa Vân đã kiến nghị các vấn đề mà họ còn lo lắng như có một số nhà bị thấm nước, nóng, thiếu cây xanh; phụ cấp cho người nghèo thấp, không theo kịp các chi phí điện, nước, lệ phí rác và giá cả sinh hoạt trong đất liền. Bên cạnh đó, việc làm cho người còn sức lao động chưa có, nhà trẻ gần Trạm y tế gây bất tiện…
Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh lắng nghe và giải đáp cụ thể từng kiến nghị của bà con. Cụ thể, việc dùng nước, điện bao nhiêu thì người dân trả bấy nhiêu chứ không có chuyện giảm, bởi vì đã hòa nhập thì bình đẳng như cộng đồng. Với 52 bệnh nhân hỗ trợ 410.000 đồng/người/tháng có kiến nghị thêm 200 ngàn đồng/người/tháng do chi phí cuộc sống trong đất liền đắt đỏ hơn nơi ở cũ là chính đáng, thành phố đồng ý cấp thêm 200 ngàn đồng/người/tháng cho bà con.
Riêng vấn đề việc làm, đồng chí Nguyễn Bá Thanh yêu cầu quận Liên Chiểu lập danh sách thực tế những ai còn đủ điều kiện sức khỏe làm việc sẽ xem xét bố trí giải quyết việc làm phù hợp. Với các hộ dân kiến nghị nhà đông người, con lớn, cần bố trí thêm đất ở, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh cho biết: Trước mắt lo ổn định chỗ ở cho các hộ dân, còn lại nếu có nhu cầu chính đáng sẽ xem xét sau. Người dân yên tâm, không phải đưa vào đây rồi thôi mà chính quyền sẽ luôn quan tâm theo dõi cuộc sống bà con.
Cũng trong buổi gặp gỡ người dân thôn Hòa Vân tại nơi ở mới, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đã tặng quà cho Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Xuân và thương binh Nguyễn Văn Xứng. Bên cạnh đó, 64 suất quà cũng được trao tận tay các hộ dân tại khu nhà liền kề tổ 14, phường Hòa Hiệp Bắc.
LÊ DŨNG(DNO)